Trung Đông và châu Phi: Một thị trường đầy tiềm năng
Xuất khẩu gỗ sang EU dự báo đạt 1 tỷ USD vào năm 2020 | |
Thị trường Hàn Quốc mở nhưng không dễ vào |
Cần nắm bắt cơ hội
Ông Youssef Kamal Botros Hanna, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam cho biết, năm 2016, mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Ai Cập tăng mạnh, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam đạt 295 triệu USD và xuất khẩu từ Ai Cập đạt 21 triệu USD. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 9/2017, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi đã cùng lãnh đạo Việt Nam thỏa thuận tăng tốc triển khai cam kết thương mại song phương đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Mặt hàng nông sản và thủy sản là thế mạnh của Việt Nam ở các thị trường Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Ai Cập… |
Hiện tại, chính phủ Ai Cập đang ưu tiên cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng, năng lượng mới và có thể tái tạo; đặc biệt là nông nghiệp, viễn thông và công nghệ thông tin, đường sá và cảng.
Cùng với đó, Nam Phi cũng cho rằng quốc gia này có nhiều cơ hội để đầu tư vào Việt Nam. Nam Phi cũng là cửa ngõ để các DN Việt có thể đi vào các nước châu Phi khác.
Trên thực tế, thị trường các nước châu Phi thuộc “dạng dễ tính” với yêu cầu giá rẻ và đi kèm chất lượng tương đối. Đây cũng là cơ hội của các DN Việt Nam với lợi thế của mình có thể dễ dàng tiếp cận thị trường này. Các quốc gia châu Phi đã tham gia vào WTO với 43/55 nước, nên nếu DN Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu vào đây sẽ được chính sách ưu đãi về thuế.
Ông Lý Quốc Thịnh, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, phụ trách khu vực Trung Đông cho biết, khu vực này cũng đã có 9/15 nước gia nhập WTO. Chính vì vậy các quốc gia này áp dụng thuế nhập khẩu thấp, chỉ từ 0-5%.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, đây là cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các DN. Mặc dù cách xa về địa lý nhưng Việt Nam và các nước Trung Đông, châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tốt đẹp và không ngừng được củng cố, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Trong năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước khu vực này đạt 23,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 8,4 tỷ USD. Các nước châu Phi và Trung Đông có nhu cầu rất lớn với mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản của Việt Nam.
Nắm nhu cầu để chinh phục khách hàng
Theo bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, hiện nay, các nước châu Phi đã mở rộng hàng rào phi thuế quan, giảm thuế xuất nhập khẩu và nới lỏng kiểm soát đối với vật giá trong nước… Và mặt hàng nông sản và thủy sản là thế mạnh của Việt Nam ở các thị trường Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Ai Cập… Trong nhiều năm qua, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất qua các quốc gia này là gạo, cà phê, hạt tiêu.
Đặc biệt là Algeria, quốc gia rộng lớn nhưng chỉ có 10% diện tích đất canh tác nên cần nhập khẩu rất nhiều thực phẩm nông sản. Ai Cập là nước có nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu nhân rất lớn, từ 9.000 đến 9.500 tấn/năm và nhiều DN Việt đã thành công khi xuất khẩu hạt tiêu sang Ai Cập. Kế đến là cà phê và thủy sản, nước này cũng có nhu cầu nhập khẩu rất cao.
Cùng đó, hiện tại, hàng hóa Việt Nam xuất sang các nước Trung Đông chủ yếu là điện thoại, hàng hóa điện tử (các DN FDI chiếm đến 64%); trong khi các mặt hàng thủy hải sản, nông sản, giày dép chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong khi đó, các nước Trung Đông có nhu cầu thực phẩm rất đa dạng, như Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất có đến 90% dân số là người nước ngoài. Đây cũng là đất nước có tới 80% dân số sử dụng cà phê và phải nhập khẩu 75% lượng cà phê tiêu dùng.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng nhu cầu trái cây nhiệt đới rất cao và DN Việt cũng có thể xuất khẩu hoa quả như chôm chôm, mãng cầu, chuối… sang khu vực này. Ông Thịnh khẳng định, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của Trung Đông khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của DN Việt.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng khuyến cáo, các DN muốn xuất khẩu hàng hóa qua các quốc gia này cần phải nghiên cứu cách thức tiêu dùng, nhãn mác cần có tiếng Ả Rập, tiếng Pháp… Song song đó, cần có bộ chứng từ gửi hàng xuất khẩu và giấy chứng nhận Halla.
Ông Thịnh cũng lưu ý DN Việt Nam phải chuẩn bị kỹ càng để hạn chế rủi ro. “DN phải chú ý nắm bắt kỹ thông tin, điều tra thông tin thị trường, phải có kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng và phải sử dụng tư vấn cho thẩm định đối tác trong đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng. Các DN cũng lưu ý đưa ra mức đặt cọc với giá trị tối thiểu 30% và đề nghị đối tác phải sử dụng L/C không hủy ngang…”, ông Thịnh đưa ra khuyến cáo.