VEPR: “Để tự nhiên” thì năm nay tăng trưởng khoảng 6,37%, lạm phát 2,35%
DN FDI cần xem thành công của DN Việt Nam là thành công của chính mình | |
VBF 2017: Tăng kết nối DN trong nước với DN FDI |
Trong khi mức tăng năng suất lao động cũng đang giảm dần. Thu ngân sách cũng chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên mà các khoản này đang trong xu hướng tăng nhanh. Thâm hụt ngân sách nhiều sẽ khiến cho đầu tư bị hạn chế, tác động đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Đây là những vấn đề “đau đầu” của nền kinh tế vừa được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2017. Báo cáo có tiêu đề "Đẩy nhanh cải cách vì một nhà nước kiến tạo".
Theo TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR: “Nếu không giải quyết căn cơ thì sẽ tạo ra nhiều áp lực, khiến nhà đầu tư có thể chuyển hướng đầu tư ngắn hạn, vì không biết rủi ro thị trường đến đâu”.
Bên cạnh đó, là những tác động bất lợi từ một thế giới vẫn biến động khó đoán định. Dù đang có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có năng lực cạnh tranh thấp và trong ASEAN chỉ xếp trên các nước còn lại trong nhóm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam…
Bên cạnh đó, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Và khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng. Những vấn đề như ô nhiễm môi trường, công nghệ chưa được kiểm soát tốt thì nhiều chính sách lại can thiệp quá lớn vào hoạt động kinh doanh, tạo cản trở cho DN.
Với tình hình hình này, “để tự nhiên” thì năm nay tăng trưởng vào khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức 2,35%.
Tuy nhiên, Chính phủ đã đặt quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Nếu thúc tăng trưởng đạt mức 6,7% sẽ phải dùng đến các giải pháp tăng khai thác dầu, tăng đầu tư, nới lỏng tiền tệ… Cách làm ngắn hạn này sẽ làm chậm động năng cải cách sẽ gây ra những rủi ro “trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững.
Thực tế này đang đòi hỏi những thay đổi chính sách, và cả điều chỉnh thể chế, để bắt kịp với điều kiện mới. Hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 5 về các vấn đề kinh tế lớn đặt nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là khối DN tư nhân.
Do đó VEPR nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh cải cách để hướng tới Nhà nước kiến tạo như Chính phủ đã tuyên bố và đang hướng tới với những khuyến nghị chính sách cụ thể.
Khẳng định tăng trưởng vẫn là cần thiết, tăng trưởng trên 6% là rất tốt, sẽ giúp Việt Nam rút gần khoảng cách với các nước nhưng ông Trương Đình Tuyển đồng ý với khuyến nghị của VEPR, không phải tăng trưởng bằng mọi cách, không phải cố tăng trưởng bằng việc khai thác dầu. Tăng khai thác dầu để có tăng trưởng sẽ không bền vững và ông khuyến nghị cần phải kiên định với việc khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Để đạt được tăng trưởng bền vững phải xây dựng mô hình từ Nhà nước chỉ huy can thiệp sang kiến tạo phát triển. Đây là sự phát triển biện chứng trong bối cảnh mới, bối cảnh sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ. Và quan trọng là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp người dân và DN tự do làm ăn trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi.
“Cần phải xây dựng môi trường thể chế để chắn cho người dân, DN không gặp rủi ro về chính sách”, theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Các quy định, hành lang pháp lý đưa ra, theo ông Dũng, phải đoán định được, gắn với cắt giảm chi phí, xóa bỏ độc quyền, mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia để tận dụng tốt các nguồn lực xã hội…
“Nếu rủi ro chính sách lớn thì không ai có thể nói được môi trường kinh doanh thế nào là tốt”, ông Dũng nhận định và cho biết thêm: "Hiện chi phí quản trị quốc gia rất lớn, chi phí xã hội đang bỏ ra để tuân thủ quy định cũng đang rất lớn, cần phải cắt giảm những chi phí này".
Theo ông Dũng, một người dân Mỹ đóng thuế để nuôi 10 người hưởng lương ngân sách thì ở Việt Nam nuôi 100 người. Ông cũng chỉ ra những quy định làm xã hội tốn chi phí tuân thủ như kiểu như bắt buộc xe ô tô phải có bình chữa cháy, quy định này đã khiến giá bình chữa cháy mini đang từ 50.000 đồng vọt lên 100.000-150.000 đồng.
Ông Dũng khuyến nghị cần phải cắt giảm bằng cách hãy để những gì tư nhân làm được, xã hội làm được thì Nhà nước không làm, Nhà nước hãy cung cấp dịch vụ công chất lượng cao mà giá rẻ cho dân. Và để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, thì phải thúc đẩy cải cách phải nhằm vào xóa bỏ độc quyền chống chủ nghĩa “thân quen”.
“Không Nhà nước nào lo cho dân như Nhà nước của ta bây giờ. Hãy để người dân tự lo cho mình bằng việc Nhà nước cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để dân tự lo, tự làm trong môi trường thuận lợi và bình đẳng”, ông Tuyển nhìn nhận.
Ông Tuyển cho rằng, quyết tâm của Chính phủ rất lớn nhưng làm chưa được vì thể chế. Thể chế đang đang tạo ra khung khổ và định ra giới hạn của môi trường kinh doanh, làm gì phải xin phép cũng là thể chế, nhanh – chậm cũng do thể chế. Phải xây dựng Nhà nước kiến tạo, cải cách thể chế theo hướng người dân được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm còn cán bộ công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.