Xanh hóa sản phẩm để phát triển bền vững
Chuyển đổi xanh để tăng trưởng bền vững Phát triển xanh bao trùm: Hướng đi phù hợp cho phát triển bền vững |
Trong khi hoạt động kinh doanh bền vững đảm bảo uy tín và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp, “thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mang đến nhiều cơ hội hơn, như mở rộng cơ hội thu hút vốn đầu tư”, đại diện doanh nghiệp tỷ đô này cho biết. Thực tế, Báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số niềm tin của Edelman chỉ ra, 88% nhà đầu tư tin rằng, các công ty chú trọng đến sáng kiến ESG sẽ đem lại cơ hội lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các công ty không chú trọng về ESG. “Nếu xác định phát triển bền vững là cơ hội cho doanh nghiệp, việc thực hành sẽ tốt và bài bản hơn”, đại diện Vinamilk chia sẻ kinh nghiệm.
Thách thức phát triển xanh
Theo Edelman, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của nhận thức về tầm quan trọng của ESG. Hiện ngoài Vinamilk còn có Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex, Bibica… cũng đang “theo đuổi” áp dụng ESG. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống đang từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường… và đặc biệt tập trung vào sản xuất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước.
Sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh đã được đưa ra thị trường |
Nhận định về phát triển sản xuất xanh của doanh nghiệp, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp rất quan tâm đến hoạt động phát triển bền vững, trong đó có việc áp dụng các tiêu chí ESG. Chính vì vậy, thời gian tới, HBA cũng phối hợp với đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất về những giải pháp, mô hình để doanh nghiệp có thể ứng dụng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Hiệp hội cũng kiến nghị TP. Hồ Chí Minh có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thêm thiết bị, công nghệ xử lý rác thải, nước thải ra môi trường… để đạt các tiêu chí phát triển bền vững
Nhưng trên thực tế, khi đầu tư sản xuất xanh, chi phí đội lên nhiều so với sản phẩm thông thường do phải đáp ứng yêu cầu về xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, sử dụng nhiên liệu hóa thạch… từ đó đẩy giá các sản phẩm xanh cũng tăng tương ứng, khiến sản phẩm xanh vẫn chưa tiếp cận được nhiều khách hàng. Thực tế đó khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà đầu tư bài bản cho một lộ trình tiến tới thực hành đầy đủ các tiêu chí ESG.
Thực vậy, là một trong 90 công ty đạt danh hiệu xanh của TP. Hồ Chí Minh năm 2023, bà Huỳnh Phương Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất bột quốc tế (Intermix) cho biết, để phát triển được sản phẩm xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn nên giá thành sản phẩm đến tay người dùng chắc chắn cao hơn sản phẩm thông thường. Trong đó, riêng việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã chiếm khá nhiều chi phí, vì vậy sản phẩm xanh giá thường cao hơn khoảng 20%-30% so với sản phẩm thông thường cùng loại trên thị trường. “Dù chi phí cao như vậy nhưng để cạnh tranh, doanh nghiệp không tăng giá cao mà cố gắng xoay xở để giảm chi phí nhằm thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh”, bà Trinh cho biết.
Cũng điều hành một công ty đạt danh hiệu doanh nghiệp xanh, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhận thức về sản phẩm xanh hay doanh nghiệp xanh hiện nay vẫn còn khá mới mẻ với người dùng Việt Nam. Do đó, để ba chữ “doanh nghiệp xanh” đi vào tiềm thức và để khách hàng thấy được giá trị của sản phẩm xanh thì cần phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để người tiêu dùng biết.
Hệ thống sản xuất của Vinamilk đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ESG |
Doanh nghiệp cần trợ lực
Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khẳng định cần phải thuyết phục người mua chấp nhận giá sản phẩm xanh cao hơn 5-10% so với sản phẩm thông thường nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe, môi trường… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần siết chặt quản lý chi phí của mình, tập trung vào một số sản phẩm, đồng thời cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Nêu rõ tính nhất thiết phải hỗ trợ sản xuất xanh cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, hàng hóa giá rẻ đang là ưu tiên hàng đầu của người dân. Vì vậy, để sản phẩm xanh đi vào thị trường, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thông tin minh bạch. Đặc biệt, bản thân các doanh nghiệp và nhà nước cần truyền thông về giá trị của sản phẩm xanh để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phải cam kết đi đầu, dẫn dắt, mở đường định hướng cho tiêu dùng xã hội.
Trong khi đó, theo ThS. Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, TP. Hồ Chí Minh, cần có những cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động tốt nguồn lực trong và ngoài nước. Việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển kinh tế xanh nên dựa vào các tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. TP. Hồ Chí Minh nên vận dụng tốt chính sách của Nghị quyết 98 của Quốc hội với những cơ chế đặc thù để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.
“Về phát triển bền vững, trong Nghị quyết 98 đã đặt ra vấn đề rất cụ thể như cơ chế bù trừ tín chỉ cacbon, thành phố sẽ tiên phong đi trước; Đề án kiểm soát khí thải giao thông đang triển khai, điện áp mái tòa nhà công sở… Chính sách ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược sử dụng năng lượng sạch, công nghệ đang có những khởi động rất cụ thể”, ThS. Phạm Bình An chỉ rõ.
Nhấn mạnh về chủ trương, định hướng của TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Thành phố rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra Khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới net zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0).
Theo đó, thành phố xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào 4 nội dung. Đầu tiên thành phố xác định nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế. Kế đến, mục tiêu của thành phố là phát triển hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên. Song song đó, thành phố sẽ tác động chuyển biến hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Và cuối cùng phát triển các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.