Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp nâng tầm hiệu quả
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ nên dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp? Ngân hàng huy động trái phiếu để tăng vốn bổ sung |
Tuy nhiên, để thực sự phát triển bền vững, thị trường cần phải giải quyết được các thách thức hiện tại, đặc biệt là về cơ cấu nhà đầu tư và nhận thức rủi ro. Theo VIS Rating, thị trường TPDN Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Sau giai đoạn suy thoái kéo dài từ năm 2022, thị trường này đang dần hồi phục và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đặc biệt Nghị định 08, đã giúp nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu nợ và kéo dài thời gian đáo hạn, giúp họ tránh được tình trạng chậm trả nợ. Kể từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã được gia hạn thời gian đáo hạn, với phần lớn kéo dài thêm 22 tháng. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng phát hành TPDN mới đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 298 nghìn tỷ đồng. Động lực chính của sự gia tăng này đến từ các ngành ngân hàng và bất động sản. Đặc biệt, các ngân hàng đã phát hành một lượng lớn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của họ trong dài hạn.
Tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức không nhỏ. Mặc dù thị trường TPDN đang phục hồi nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là nhận thức về rủi ro của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Theo báo cáo của VIS Rating, phần lớn các trái phiếu được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp là của các doanh nghiệp mới thành lập, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi. Những doanh nghiệp này có tình hình tài chính yếu kém, nhưng vẫn phát hành trái phiếu với mức lãi suất không tương xứng với rủi ro.
Một trong những thách thức lớn khác là sự thiếu đa dạng trong cấu trúc nhà đầu tư. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số TPDN đang lưu hành. Việc thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đặc biệt là các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí… đã khiến thị trường không đủ mạnh mẽ để đối phó với các biến động kinh tế.
Chính vì vậy, bàn về giải pháp cho sự phát triển bền vững của thị trường, VIS Rating cho rằng trước hết cần tăng cường sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức. Sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của thị trường TPDN. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường. Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư này, thông qua việc áp dụng các quy định chặt chẽ về công bố thông tin và quản lý rủi ro.
Một trong những giải pháp khác được đề xuất là giới hạn trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức và nên sử dụng xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro, bởi xếp hạng tín nhiệm là công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Một trong những yếu tố quan trọng khác giúp phát triển thị trường TPDN chính là sự minh bạch trong công bố thông tin. Các doanh nghiệp phát hành cần cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ. Các quy định pháp lý cần được áp dụng nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các nhà đầu tư có đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.