Lạm phát tiếp đà tăng cao: Thêm cảnh báo cho những tháng cuối năm
TIN LIÊN QUAN | |
Lạm phát lại nóng | |
CPI tháng 8 tăng 0,45%: Sức ép vẫn còn ở phía trước | |
Lạm phát giảm tốc, áp lực vẫn lớn |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, do tăng học phí, nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao, tăng giá xăng dầu, lương thực và thực phẩm…
Như vậy, với mức tăng 0,45% của tháng 8 thì đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao.
Tính từ đầu năm đến nay, CPI tăng cao nhất là 7,3% trong tháng 2; tiếp đến là mức 0,61% trong tháng 6; mức tăng cao thứ 3 vừa ghi nhận trong tháng này, tăng 0,59%.
Đáng chú ý, đóng góp vào mức tăng cao của CPI tháng 9/2018 có tới 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý III/2018, CPI tăng 0,72% so với quý trước và tăng 4,14% so với quý III/2017. Nguyên nhân chủ yếu do tác động từ tăng giá xăng dầu , dịch vụ giáo dục, lương thực và thực phẩm, thuốc và dịch vụ y tế, vật liệu xây dựng...
Các dữ liệu trên đặt ra vấn đề, phải chăng mặt bằng giá chung ở trong nước đang có xu hướng tăng lên?
Các chỉ tiêu tham khảo để tìm nguyên nhân cho xu hướng CPI đang tăng cao là lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp và GDP tăng trưởng tương đối khả quan trong quý III, cho thấy cân đối tiền hàng vẫn đang được kiểm soát tốt.
Cụ thể, lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 chỉ tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý III/2018 đạt 6,88%; 9 tháng tăng 6,98%.
Tuy nhiên, vẫn còn một điểm đáng chú ý khác, CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tiếp tục nhích lên khi tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, từ mức 3,52% của 8 tháng. Như vậy, mức tăng cao của CPI các tháng 8 và 9 năm ngoái đã không hỗ trợ để chỉ tiêu CPI bình quân tương ứng của năm nay “hạ nhiệt”.
Theo đó, với mức tăng thấp của CPI các tháng quý IV/2017, chỉ từ 0,12-0,41% cho từng tháng trong quý, thì chỉ tiêu CPI bình quân qua các tháng trong quý IV năm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên.
Nhưng với mức thay đổi bình quân chỉ khoảng 0,12%/tháng trong 8 tháng gần đây thì mục tiêu giữ lạm phát cả năm ở mức 4% vẫn có khả năng được đảm bảo.