Triển vọng sáng với kinh tế Việt Nam năm 2021
Lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam | |
WB: Triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực cả trong ngắn và trung hạn |
Viễn cảnh tăng trưởng
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2021 trong Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2021, TS. Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2021.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng vọt ở mức 24,5% so cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng cao nhất kể từ đầu năm 2019. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa (SA) tăng lần lượt 51,8% và 41,8% so cùng kỳ 2020.
Thặng dư thương mại hàng hóa tháng 1 ước đạt 1,1 tỷ USD theo số liệu sơ bộ... Tương tự, nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ cũng tăng, tương tự như nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
Có nhiều nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 |
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Chính phủ chi ngân sách tổng cộng 99,6 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ (1,0%) so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư công đạt 15 ngàn tỷ đồng, với tỷ lệ giải ngân đạt 3,25%.
Cùng chung nhận định lạc quan về nền kinh tế năm nay, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 7% năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.
Theo AMRO, sau sự sụt giảm mạnh trong quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu hồi phục trên diện rộng trong quý III/2020 nhờ việc đẩy mạnh chi tiêu cho đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi cũng như xuất khẩu mạnh mẽ.
Trước đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1, và 6,46% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Các kịch bản này chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam.
Ở trong nước, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước.
Còn theo đánh giá của Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng, thuộc nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.
Với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, VEPR dự báo “kịch bản cơ sở” kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%.
Phụ thuộc vào khả năng đối phó với dịch bệnh
Theo các chuyên gia WB, viễn cảnh tăng trưởng của năm 2021 sẽ phụ thuộc cơ quan chức năng kiểm soát đợt dịch mới bùng phát tốt và nhanh như thế nào, cũng như thời gian triển khai tiêm chủng vaccine trong nước và trên thế giới. Nếu khủng hoảng tiếp tục kéo dài, chính phủ có thể cần cân nhắc hỗ trợ nền kinh tế thêm bằng biện pháp tài khóa và tiền tệ.
Tuy nhiên, theo WB, Việt Nam cũng cần quan tâm theo dõi đặc biệt tới dư địa tài khóa, sức khỏe của khu vực tài chính, và những tác động xã hội có thể xảy ra vì mất thu nhập kéo dài ở một số hộ gia đình có thể tạo ra tình trạng bất bình đẳng những căng thẳng mới.
Trong bối cảnh bất trắc gia tăng, AMRO cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hỗ trợ về chính sách để Việt Nam tăng cường sự phục hồi kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang “trạng thái bình thường mới” sau dịch bệnh.
AMRO cho rằng sự phục hồi kéo dài và không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu có thể gây phương hại tới sự phục hồi về nhu cầu bên ngoài. Mặc dù nhu cầu trong nước ở Việt Nam đã gia tăng sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng vẫn còn hoài nghi về nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch bệnh. Hơn nữa, những hệ lụy của dịch bệnh như kết quả kinh doanh yếu kém của các hãng, thất nghiệp gia tăng ....có thể gây tổn hại đến triển vọng phục hồi.
Về mặt tài chính, AMRO đề cập tới nguy cơ chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bị suy giảm sẽ làm suy yếu “vùng đệm vốn” tương đối mỏng của hệ thống này. Đó là chưa kể nguy cơ dễ bị tổn thương cũng có thể nổi lên từ phân khúc cho vay tiêu dùng khá lớn và từ việc các ngân hàng tăng mạnh nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Những lo lắng về rủi ro cao cũng như những bất ngờ về chính sách ở các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến những biến động mới về giá tài sản và dòng vốn.
Do đó, AMRO khuyến nghị Việt Nam hỗ trợ tài khóa lớn hơn nhằm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế còn non yếu nếu tăng trưởng suy giảm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ có trọng tâm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các hộ gia đình có thu nhập thấp và tiến hành đánh giá định kỳ tính hiệu quả.