Lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam
Bất chấp bi quan về tăng trưởng kinh tế thế giới, triển vọng với Việt Nam vẫn tích cực | |
Triển vọng, áp lực và thách thức |
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức độ lạc quan cao nhất về tăng trưởng kinh tế |
Bi quan với triển vọng toàn cầu
Bước vào một thập kỷ mới, các CEO đang bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục đối với kinh tế toàn cầu, với 53% dự đoán mức độ tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm vào năm 2020, tăng mạnh so với mức 29% của năm 2019 và 5% vào năm 2018 - đánh dấu mức độ bi quan chưa từng có kể từ khi câu hỏi này được đưa ra vào năm 2012. Tương phản với đó, con số 42% CEO dự đoán triển vọng kinh tế được cải thiện vào năm 2019 giảm xuống chỉ còn 22% vào năm 2020.
Trên đây là một vài trong số những phát hiện chính được trích dẫn từ kết quả khảo sát lần thứ 23 của PwC với sự tham gia của gần 1.600 CEO từ 83 quốc gia trên thế giới, báo cáo được công bố tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ cuối tháng 1 vừa qua.
Nổi bật là mức độ bi quan của các CEO khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Đông với lần lượt tỉ lệ 63%, 59% và 57% CEO từ các khu vực này dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới.
Ngược lại, các CEO trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có mức độ lạc quan cao nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới, với 35% dự đoán tăng trưởng và đặc biệt 15% kỳ vọng mức tăng trưởng cao trong 12 tháng tới. Điều này cũng đồng nhất với kết quả khảo sát lãnh đạo các doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương 2019 của PwC, theo đó 34% các CEO trong khu vực này (cụ thể là 49% các CEO Việt Nam) có quan điểm lạc quan về tăng trưởng doanh thu doanh nghiệp trong năm tiếp theo, bất chấp xu hướng bi quan về doanh thu của các CEO toàn cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết: “Có thể thấy sự lạc quan chung giữa các CEO Việt Nam và trong khối APEC về triển vọng phát triển trong năm tới, khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến và là nguồn đầu tư nước ngoài hấp dẫn, thêm vào đó là tăng trưởng vững vàng của thị trường nội địa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt và thức thời về các nhân tố ảnh hưởng để sẵn sàng đối phó và thích ứng với những thách thức trong tương lai”.
Chủ tịch toàn cầu của PwC, ông Bob Moritz nhận định: “Về mặt tích cực, trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mức độ bi quan kỷ lục, thì bên cạnh đó vẫn còn có những cơ hội thực sự. Với chiến lược nhanh nhạy, sự tập trung sắc bén trước những kỳ vọng đang thay đổi của các bên liên quan, cùng với với kinh nghiệm mà nhiều lãnh đạo đã đúc kết được trong bối cảnh đầy thách thức mười năm vừa qua, lãnh đạo các doanh nghiệp có thể định hướng qua giai đoạn suy thoái kinh tế này và tiếp tục vươn lên để phát triển”.
5 vấn đề bi quan nhất
Những vấn đề bi quan nhất của các CEO đã được chỉ trong đó đáng lưu ý là mức độ tự tin về tăng trưởng doanh thu của các CEO sụt giảm. Chỉ 27% các CEO cho biết họ đang “Rất tự tin” về tăng trưởng 12 tháng tới - mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2009 và suy giảm so với con số 35% của năm ngoái. Những dự báo của các CEO từ năm 2008 cho thấy có mối tương quan mật thiết giữa niềm tin của các CEO đối với tăng trưởng doanh thu 12 tháng của doanh nghiệp và tăng trưởng thực tế đạt được của nền kinh tế toàn cầu. Theo phép phân tích này, tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại tại mức 2,4% vào năm 2020, thấp hơn so với các ước tính trong đó có dự đoán của IMF về mức tăng trưởng 3,4% toàn cầu vào tháng 10 vừa qua.
Năm 2019, trả lời về những thách thức hàng đầu cho triển vọng phát triển doanh nghiệp, bất ổn về tăng trưởng kinh tế không nằm trong nhóm 10 mối lo hàng đầu và xếp thứ 12 trong mắt các CEO. Tuy nhiên năm 2020 yếu tố này đã vọt lên vị trí thứ 3, chỉ sau xung đột thương mại - một mối lo khác đang leo thang và chính sách thắt chặt, yếu tố một lần nữa đứng đầu trong số các thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải.
Hai phần ba các CEO toàn cầu tin rằng Chính phủ sẽ đưa ra những điều luật mới để quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội cũng như chia tách các công ty công nghệ đang chi phối thị trường. Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp (51%) cũng cho rằng Chính phủ sẽ đặt áp lực tài chính ngày một cao lên các công ty tư nhân về việc thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Tuy nhiên các lãnh đạo có sự phân luồng ý kiến về việc liệu Chính phủ có đang cân bằng được chính sách bảo mật và riêng tư để doanh nghiệp vừa tăng cường niềm tin đối với người tiêu dùng vừa giữ được thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, cụ thể với 41% đồng tình và 43% cho rằng chưa đạt.
Một mối lo khác chính là chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ 18% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã có “tiến triển đáng kể” trong việc xây dựng chương trình nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực. Vấn đề này cũng được ghi nhận từ cả phía người lao động. Trong một khảo sát khác của PwC, 77% trong số 22.000 người lao động toàn cầu chia sẻ có nguyện vọng học các kỹ năng mới hoặc được đào tạo lại nhưng chỉ 33% cảm thấy họ được trao cơ hội phát triển các kỹ năng số ngoài yêu cầu công việc.
Mặc dù biến đổi khí hậu không xuất hiện trong danh sách mười mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng, các CEO đang ngày một đánh giá cao lợi ích mà những nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon mang lại. So với một thập kỷ trước khi lần đầu tiên chúng tôi đưa ra câu hỏi này, giờ đây có gấp đôi các CEO có xu hướng “đồng tình mạnh mẽ” rằng các sáng kiến về biến đổi khí hậu sẽ tăng cường các lợi ích về truyền thông (30% ở năm 2020 so với 16% vào năm 2010) và 25% các CEO ngày nay, so với 13% vào năm 2010, nhận thấy các sáng kiến biến đổi khí hậu mang lại cơ hội mới cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.