CPTPP: Cơ hội ngày càng rộng mở cho doanh nghiệp
Tận dụng cơ hội từ CPTPP chưa cao như kỳ vọng | |
Chuyển biến tích cực về pháp luật thực hiện CPTPP | |
Mù mờ thông tin, khó hưởng “mật ngọt” từ CPTPP |
Tận dụng tốt lợi thế
Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP trong 3 năm qua liên tục duy trì ở mức 2 con số. Thống kê trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt gần 90 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.
Việc thị trường 10 nước thành viên CPTPP chiếm khoảng 30% (năm 2021 là 25%) tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) “là sự tăng trưởng đáng khích lệ”. Trong đó, chỉ riêng 3 thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Nhật, Úc và Canada đang chiếm khoảng 85% thị phần của khối CPTPP.
“Các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt lợi thế khi tham gia vào CPTPP”, ông Nam khẳng định.
Các doanh nghiệp Việt đã tận dụng tốt lợi thế khi tham gia vào CPTPP |
“Thời gian gần đây, những doanh nghiệp bạn từ các thị trường CPTPP tìm kiếm đối tác để kết nối đầu tư tại Việt Nam ngày một nhiều hơn. Là đầu mối của các doanh nghiệp điện tử, Hiệp hội đã ghi nhận khá nhiều đơn hàng cũng như đối tác từ thị trường Bắc Mỹ”, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng thông tin.
Nhìn lại 3 năm thực thi CPTPP, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khái quát, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả ban đầu tương đối đáng khích lệ.
“Ngay trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường mới là Canada và Mexico đã tăng trưởng gần 30%. Cũng ngay trong năm đầu tiên, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP. Đó là tiền đề đảm bảo những cân đối vĩ mô của nền kinh tế”, ông Thái cho biết.
Cơ hội đi cùng thách thức
Đặc biệt theo ông Thái, ngoài những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì CPTPP góp phần đưa Việt Nam lên một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam được ngồi cùng các thành viên khác để xét đơn gia nhập của các quốc gia như Vương quốc Anh, Hàn Quốc hay thậm chí những nền kinh tế rất lớn bây giờ như Trung Quốc và Đài Loan - Trung Quốc. Ngoài ra, có nhiều nền kinh tế khác lớn như Urugoay, Costa Rica cũng đang bày tỏ nhiều sự quan tâm tới CPTPP.
Với việc nhiều nền kinh tế khác trên thế giới tiếp tục đệ đơn tham gia và thể hiện sự quan tâm với CPTPP, cơ hội ngày càng rộng mở đối với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thêm các thị trường có điều kiện ưu đãi cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số điểm cần khắc phục để có thể tận dụng CPTPP tốt hơn nữa. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang thị trường CPTPP còn nhỏ và tỷ lệ thị phần tại các thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Cơ hội tận dụng ưu đãi từ Hiệp định cũng chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Theo đại diện Bộ Công Thương, dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian tới bộ sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan. Đồng thời, cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp. Bên cạnh cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh nâng cấp C/O điện tử và công nhận dữ liệu C/O điện tử.
Bộ cũng sẽ tích cực để đàm phán, thảo luận với các đối tác về cơ chế này để có thể thực hiện nhiều hơn trong tương lai...