Thấy gì qua diễn biến tỷ giá
Bớt nỗi lo tỷ giá cuối năm | |
Tỷ giá: Duy trì ổn định từ sự điều hành linh hoạt | |
Không lo giảm nguồn thu ngoại tệ |
Tỷ giá vốn là một biến số kinh tế vĩ mô có tác động đến lạm phát và ổn định thị trường tài chính. Nhưng đồng thời tỷ giá cũng có tác động đến khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế, đảm bảo một vị thế cán cân thanh toán mạnh. Theo đó tỷ giá gắn với các biến số kinh tế thực, là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô. Mức độ tác động của tỷ giá đến các biến số kinh tế thực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế có khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế của quốc gia và giai đoạn phát triển.
Với hơn 70% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam được hình thành từ nguyên vật liệu hàng nhập, nên tỷ giá trong nền kinh tế của chúng ta là công cụ có tác động chủ yếu đến khuyến khích xuất khẩu. Song lại có tác động mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là có tác động mạnh đến lạm phát kỳ vọng, vì vậy giữ ổn định tỷ giá luôn được đặt ra trong suốt thời kỳ từ khi đổi mới đến nay.
Ảnh minh họa |
Cách thức thực hiện ổn định tỷ giá được thực hiện khác nhau trong mỗi thời kỳ. Khi tỷ giá biến động mạnh, để bình ổn thị trường, NHNN thường cam kết ổn định tỷ giá dao động tăng trong một biên độ nhất định (thường cam kết tỷ giá không tăng 2-3%), điển hình như giai đoạn 1998-2004, giai đoạn 2011-2015.
Và để đảm bảo sự cam kết này, NHNN phải tích cực can thiệp bán ngoại tệ tăng cung để bình ổn. Cách thức điều hành này có tác động nhanh đến việc ổn định tỷ giá thị trường. Điều này cũng đã được minh chứng rõ, khi tỷ giá VND biến động mạnh sau hai cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tỷ giá đã nhanh chóng được ổn định trở lại ngay sau khi NHNN tuyên bố điều chỉnh tăng tỷ giá và cam kết mức dao động tỷ giá.
Tuy nhiên việc cam kết mức dao dộng nếu kéo dài sẽ có những ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển thị trường ngoại hối, bởi một khi NHNN cam kết như vậy thì các thành viên thị trường không lo phòng ngừa rủi ro tỷ giá, qua đó các sản phẩm thị trường sẽ không phát triển phong phú…
Năm 2016, NHNN tiếp tục thực hiện bình ổn tỷ giá, song không có sự cam kết biên độ dao động, đi kèm với phương thức điều hành tỷ giá trung tâm, gắn với biến động tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Diễn biến tỷ giá trong mấy tháng gần đây tương đối ổn định, có lúc tăng nhẹ, nhưng cũng có lúc giảm nhẹ, xoay quanh mức 22.300 đồng/USD.
Từ đầu tháng 9 đến nay có xu hướng giảm nhẹ (đồng Việt Nam lên giá). Xét trên bình diện chung trên thị trường thế giới biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền (EUR, JPY, CAD, CHF, GBP, SEK), có xu hướng giảm (ngày 7/9 giảm 0,95%). Điều này cũng là một trong số nguyên nhân đồng Việt Nam lên giá, thêm vào đó dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng, nhất là đầu tư gián tiếp...
Nói cách khác nguồn cung ngoại tệ đang gia tăng, có thể thấy qua diễn biến tỷ giá từ đầu năm đến nay rất sát với biến động của thị trường trong nước và quốc tế. Đó là dấu hiệu tích cực về hiệu quả điều hành tỷ giá của NHNN, tính thị trường trong điều hành tỷ giá được gia tăng. Qua đó buộc các thành viên thị trường phải tăng năng lực dự báo biến động tỷ giá thị trường trong nước và quốc tế.
Các NHTM phải đa dạng hóa các sản phẩm phòng ngừa biến động tỷ giá. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy thị trường ngoại hối phát triển và góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được đặt ra từ đầu năm của NHNN.