Thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam
Khung pháp lý của Việt Nam hiện nay về thực hành kinh doanh có trách nhiệm là khá đầy đủ và phù hợp với khuôn khổ “bảo vệ, tôn trọng và khắc phục” đặt ra trong Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và quyền con người (UNGP), tuy nhiên vẫn cần có một Kế hoạch hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao hơn vào Việt Nam. Đây cũng là một trong những khuyến nghị chính của Báo cáo “Đánh giá sơ bộ khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm” được công bố tại hội thảo tham vấn hôm qua tại Hà Nội do Bộ Tư pháp và UNDP Việt Nam, với sự hợp tác của Chính phủ Thụy Điển, phối hợp tổ chức.
Thực hành kinh doanh có trách nghiệm trước hết là tuân thủ quy định pháp luật |
Câu chuyện thành công về kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây phần lớn dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về thúc đẩy thương mại, tăng cường hợp tác với khối DN trong quá trình hoạch định và xây dựng chính sách kinh tế. Với vai trò trọng tâm trong phát triển kinh tế của Việt Nam, khu vực DN đã có những đóng góp quan trọng về thuế, cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo người dân.
“Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm những rủi ro về xã hội và môi trường có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân. Nếu các DN được tự do theo đuổi lợi ích kinh tế mà không chịu sự điều chỉnh của quy định và luật pháp, họ có thể bỏ qua các tiêu chuẩn về xã hội và môi trường. Do đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm”, Báo cáo viết.
Việt Nam cũng đã nhận định vấn đề này từ rất sớm với việc chuyển định hướng tập trung từ chiến lược phát triển kinh tế thuần túy sang phát triển bền vững. Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gần đây nhất, vào cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân. Một trong những quan điểm chủ chốt được nêu trong Quyết định là “phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chỉ rõ thời cơ thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam. “Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ tình trạng bất bình đẳng và dễ bị tổn thương vốn tồn tại trước đó trong các hệ thống của chúng ta, trong cách chúng ta kinh doanh. Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo hiệu quả tuyệt vời trong việc nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Phục hồi và “chung sống” với đại dịch đã đem đến cho Việt Nam cơ hội tiếp tục vai trò lãnh đạo và xây dựng lại đàng hoàng hơn, từ việc xây dựng các DN có trách nhiệm với người dân và môi trường, và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không tổn hại đến mục tiêu phát triển bền vững”, bà nói.
Khẳng định mục tiêu thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam hướng đến cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế liên tục và phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhìn nhận: “Thực hành kinh doanh có trách nghiệm trước hết là tuân thủ quy định pháp luật. Điều này có thể được thực hiện nhờ vào việc hoàn thiện và thực thi các quy định pháp luật có liên quan”.
Theo đó Luật Doanh nghiệp cần ghi nhận nghĩa vụ cụ thể của DN đối với xã hội để giám sát thực hành kinh doanh; Đồng thời cần quy định bắt buộc báo cáo các thông tin phi tài chính nhằm đánh giá thường xuyên tác động của DN đối với xã hội.
Báo cáo nhấn mạnh các sửa đổi trong hệ thống pháp luật cần ưu tiên tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị xâm phạm do hoạt động kinh doanh của DN, đặc biệt là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vai trò của các cá nhân trong việc giám sát và báo cáo về các vụ việc làm suy thoái môi trường do các DN gây ra; Mở rộng các chính sách an sinh xã hội cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức do thiếu sự bảo vệ của pháp luật, đặc biệt phụ nữ, thông qua việc kết hợp giữa các chương trình đóng góp và phi đóng góp.
“Việt Nam cần nỗ lực tham gia Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dành cho các DN đa quốc gia và thành lập Cơ quan đầu mối quốc gia (NCP) để thúc đẩy thực thi Hướng dẫn và giải quyết các vấn đề phát sinh theo các quy trình cụ thể. Đồng thời cần thúc đẩy việc thiết lập các cơ chế giải quyết khiếu nại cấp DN sao cho phù hợp với các tiêu chí về tính hiệu quả được đề ra trong UNGP bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận, minh bạch và dựa trên các quy trình tham vấn và đối thoại”, Báo cáo viết.
Việc thực hiện các điều khoản về phát triển bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do mới được phê chuẩn gần đây cùng việc thực hiện pháp luật lao động và DN mới được ban hành; sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai cũng như xây dựng các chính sách để đạt được tiến bộ tốt hơn trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19 sẽ cùng tạo cơ hội quan trọng để tăng cường kết nối giữa khung pháp lý của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.