"Room” tín dụng vẫn hiệu quả
Nới “room” tín dụng: Áp lực lên lạm phát không lớn Vẫn cần “room” tín dụng |
Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng công cụ room tín dụng trong điều hành của NHNN trong thời gian vừa qua?
Room tín dụng được NHNN sử dụng như một chiếc “van” để kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Nhìn lại bài học kinh nghiệm trước đây, khi tín dụng tăng trưởng rất nhanh, có những giai đoạn tăng trưởng bình quân cả hệ thống trên 30%/năm. Tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh dẫn tới nhiều hệ luỵ và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Bởi lẽ, khi các nhà băng chạy đua cho vay, chất lượng khoản vay bị ảnh hưởng, nợ xấu gia tăng.
Có thể thấy, từ khi NHNN sử dụng room tín dụng trong điều hành, tăng trưởng tín dụng hàng năm đã được kiểm soát chỉ còn 12% -14% trong những năm gần đây, vừa đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Thời gian qua, trước tình hình của kinh tế trong và ngoài nước, cơ quan điều hành cũng đã thể hiện sự linh hoạt trong điều hành, lắng nghe thị trường, nền kinh tế, doanh nghiệp. Năm nay, NHNN đã thực hiện cấp room tín dụng cho các NHTM một lần ngay từ đầu năm. Nhờ đó, các ngân hàng đã có thể chủ động xây dựng phương án kinh doanh, thúc đẩy, cung ứng vốn đủ, kịp thời cho nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 là 15%, song lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẵn sàng cung cấp thêm room tuỳ theo diễn biến của thị trường, thể hiện sự điều hành linh hoạt, chủ động, tạo động lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Nếu thời điểm này bỏ công cụ room tín dụng sẽ tác động như thế nào đến thị trường, thưa ông?
Ý kiến đề nghị bỏ công cụ room tín dụng đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng có thể khẳng định rằng, thời điểm này với đặc điểm của nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn từ ngân hàng, room tín dụng vẫn là một công cụ hiệu quả để kiểm soát cung tiền và giúp nền kinh tế không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng. Giả sử nếu không có hạn mức về tăng trưởng tín dụng, tình trạng tăng trưởng nóng về tín dụng sẽ dễ dàng xảy ra như chúng ta đã thấy trước đây. Tín dụng tăng nóng, gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP, tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, từ đó tiềm ẩn các rủi ro và tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Đã có rất nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức cao hiện đã lên tới 125%. Đây là mức cao khi so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, rất cần một công cụ đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Ngoài ra, gia tăng tín dụng quá nhanh cũng không khuyến khích sự phát triển của các kênh dẫn vốn khác, ví dụ như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, về lâu dài có thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng và sử dụng các công cụ khác, nhưng chúng ta chỉ có thể làm vậy khi các điều kiện của thị trường đã chín muồi và khi chính sách tiền tệ không còn đồng thời phải đạt được nhiều mục tiêu trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Đang có ý kiến lo ngại khả năng mặt bằng lãi suất tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Công cụ lãi suất được NHNN điều hành rất hiệu quả trong thời gian vừa qua. Song, việc tăng lãi suất hay không còn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Bởi điều hành lãi suất còn phục vụ nhiều mục tiêu khác như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội…
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế vẫn còn khó khăn, việc tăng lãi suất cho vay có thể khiến quá trình phục hồi của doanh nghiệp bị chậm lại, tất nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Nhưng cũng khó có thể giảm thêm lãi suất huy động vì các NHTM còn phải đảm bảo lãi suất thực dương bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như giữ sức hấp dẫn nhất định của kênh tiết kiệm. Hơn thế, việc giảm lãi suất VND trong khi lãi suất đồng USD vẫn đang neo ở mức cao lại tạo sức ép đến tỷ giá.
Có thể nói, NHNN đang đối mặt với bài toán khó. Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cần có sự phối hợp đồng bộ của các chính sách khác chứ không chỉ riêng chính sách tiền tệ.
Xin cảm ơn ông!