Tín hiệu từ lãi suất
Hiện tượng ngân hàng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối tháng 3, và bắt đầu nhiều lên từ trung tuần tháng 4. Điểm lại, những ngân hàng tăng lãi suất huy động bao gồm: VIB, NCB, VPBank, KienlongBank, HDBank, Eximbank và MSB. Đơn cử, từ ngày 10/4, VPBank áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tăng trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, tăng thêm 0,3%. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này (kỳ hạn 24 - 36 tháng) được tăng lên 5,2 - 5,3%/năm. Lần điều chỉnh trước đó cuối tháng 3/2024, VPBank tăng nhẹ lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng 0,2%. Hay như KienlongBank tuần qua tăng lãi suất huy động thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Cũng như nhiều NHTM khác, lãi suất tiết kiệm online của ngân hàng này cao hơn gửi tại quầy, song đáng chú ý là lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng khá cao so với mặt bằng chung, ở mức 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng. Lãi suất cho các kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng được giữ ở mức 3%/năm.
Về chiều giảm, thống kê sơ bộ có hơn 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động như: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, TPBank, Sacombank, SeABank, ABBank, BVBank, SCB... trong đó có ngân hàng đã hai lần giảm lãi suất huy động chỉ trong 2 tuần gần đây.
Điểm chung giữa các ngân hàng dù tăng hay giảm lãi suất huy động thì mức điều chỉnh đều khá nhỏ, chỉ từ 0,1 đến 0,5%. Cho đến thời điểm này, số các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhiều hơn số tăng. Điều này là tất yếu khi các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay để “trợ lực” cho cầu tín dụng vừa tăng trở lại. Tuần qua, Agribank công bố áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ còn 3,0%/năm với khoản vay kỳ hạn 3 tháng. Ở kỳ hạn 3-6 tháng, lãi suất niêm yết là 3,5%/năm. Agribank áp dụng mức lãi suất 4,0%/năm cho khoản vay trên 6 đến 12 tháng. VietinBank thông báo giảm lãi suất lần hai với mức lãi suất cho vay bình quân giảm 0,5 – 1% so với đầu năm. Hay như SHB công bố lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 5,79%/năm cho khoản vay trung dài hạn…
Theo chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã công bố lãi suất cho vay bình quân. Dải lãi suất cho vay bình quân khá dài, từ 6,5%/năm đến 8,5%/năm. Và như nhận định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Lãi suất cho vay thấp thì lãi suất huy động khó có thể tăng nhiều. Song sở dĩ vẫn có những NHTM tăng lãi suất huy động do tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng giảm (-0,76% tính đến 25/3), trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương (0,26%). Theo WiGroup, thanh khoản ổn định trong hệ thống, lãi suất liên ngân hàng đã giảm sâu, gần chạm đáy. Tuy nhiên vào tuần cuối của tháng, dưới tác động của đợt hút ròng liên tục 15 ngày của NHNN, cùng với tăng trưởng tín dụng dương trở lại khiến thanh khoản bị thắt chặt đột ngột dẫn tới việc lãi suất liên ngân hàng giật tăng mạnh vào cuối tháng. Tuy nhiên, sự biến động này khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế chung.
Giới chuyên gia cũng chung nhận định, lãi suất sẽ duy trì ở mặt bằng thấp, có thể phục hồi nhẹ giai đoạn nửa cuối năm trước các áp lực từ lạm phát, tỷ giá và nhu cầu tín dụng phục hồi, nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức thấp. Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh tháng 3/2024 của NHNN, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay trong quý II/2024 và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp và thay đổi không đáng kể so với kỳ trước. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý II/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024.
Những nhận định trên được đưa ra từ đầu tuần, nhưng cuối tuần qua thị trường thế giới ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp, sẽ tác động không nhỏ đến thị trường trong nước. Đặc biệt giá vàng thế giới liên tục tăng, lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 2.344.53 USD/oz (cập nhật ngày14/04/2024). Diễn biến leo thang ở các vùng chiến sự sẽ làm cho địa chính trị, kinh tế thế giới càng thêm bất định. Trong bối cảnh như vậy, thị trường trở nên “nhạy cảm” hơn bao giờ hết. Lãi suất ngân hàng dù tăng hay giảm với biên độ nhỏ cũng là chỉ báo đáng chú ý cho cơ quan quản lý.