Tạo động lực tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên
Tăng trưởng tín dụng |
Theo ông, đâu là những thay đổi đáng chú ý tại Thông tư số 22 vừa được NHNN ban hành?
Thay đổi đầu tiên có thể thấy Thông tư số 22 quy định đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160% thấp hơn so với quy định cũ tại Thông tư 41 là 200%. Mức hệ số rủi ro này tương đương với hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay chuyên biệt khác và thấp hơn các khoản tài trợ dự án kinh doanh bất động sản, như vậy sẽ khuyến khích các ngân hàng tài trợ cho vay dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp.
Điểm đổi mới nữa, Thông tư số 22 đã quy định hệ số rủi ro đối với khoản cho vay mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ chỉ từ 20-50%, thấp hơn nhiều so với hệ số rủi ro tín dụng đối với khoản vay thế chấp thông thường theo quy định tại Thông tư 41 là 25-100%.
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng bổ sung quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cho vay cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 50%. Nội dung này đảm bảo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ trong việc khuyến khích tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tập trung vào các khoản cho vay đối với cá nhân để hỗ trợ người nông dân.
Cơ sở nào để NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro đối với các lĩnh vực trên?
Nhìn lại thời điểm NHNN ban hành Thông tư 41, “sức khoẻ” của các ngân hàng yếu hơn so với các NHTM trong khu vực, thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) của các nhà băng chưa cao lại có sự phân hóa. Chính vì vậy khi được ban hành, Thông tư số 41 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II (quy định hệ số CAR là 8%).
Trong khi đó theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, hệ số CAR của các NHTM đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%. Trước đòi hỏi từ thực tế, trong thời gian qua, các ngân hàng đã không ngừng nâng cao năng lực, sức chống chịu với rủi ro. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành chuẩn Basel II và tiến đến Basel III. Hiện hệ số CAR của một số ngân hàng, nhất là khối NHTM cổ phần, đã vượt mục tiêu đề ra.
Có thể nói, quy định chặt chẽ hơn tại Thông tư 41 thúc đẩy các ngân hàng nâng cao “sức khoẻ” của mình. Đến thời điểm này, có thể qua theo dõi tình hình các ngân hàng, NHNN nhận thấy đủ điều kiện cho phép nên quyết định điều chỉnh hệ số rủi ro của một số lĩnh vực, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, ổn định của nền kinh tế, thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Chưa kể, nhiều ngân hàng cũng đã thông tin về kế hoạch và lộ trình tăng vốn rất cụ thể. 2024 là năm dự kiến sẽ chứng kiến cuộc đua tăng vốn sôi động từ các nhà băng, bởi khi vốn tăng lên thì hệ số CAR cũng sẽ tốt hơn.
Quy định mới này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới, thưa ông?
Thông tư 22 không những kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình thực hiện Thông tư số 41, mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc cấp tín dụng đối với các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi.
Đơn cử như việc áp dụng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ chắc chắn sẽ khuyến khích các TCTD đẩy mạnh phát triển cho vay các dự án vừa hỗ trợ cho người dân thu nhập thấp với giấc mơ an cư lạc nghiệp, vừa tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản vốn đang ảm đạm.
Về thời gian áp dụng là từ 1/7/2024, điều này cũng rất hợp lý, đáp ứng yêu cầu về lộ trình tăng vốn của các ngân hàng.
Tôi cho rằng, những điều chỉnh tại Thông tư 22 rất kịp thời và phù hợp, khuyến khích dòng vốn ngân hàng vào lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Xin cảm ơn ông!