Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô
Nghiên cứu cơ chế lãi suất phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô Đại sứ Đức tại Việt Nam thăm mô hình hoạt động tài chính vi mô của TYM |
Một trong những nội dung rất đáng chú ý trong Dự thảo là quy định về thẩm quyền chấp thuận, chấm dứt hoạt động; chấp thuận thay đổi các nội dung hoạt động chương trình, dự án TCVM (Điều 4). Theo dự thảo, căn cứ theo nhu cầu thực tế và hiệu quả hoạt động chương trình, dự án TCVD của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ dự kiến triển khai trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Chủ tịch UBND cấp quận, huyện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là UBND có thẩm quyền) ra văn bản chấp thuận, chấm dứt hoạt động chương trình, dự án TCVM; chấp thuận thay đổi nội dung hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trên địa bàn.
Theo Ban soạn thảo việc bổ sung quy định này nhằm phù hợp với thực tế và các quy định khác trong quản lý hoạt động của các tổ chức TCVM. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện nay có 79 chương trình, dự án TCVM triển khai trên 34 tỉnh, thành phố. Trong đó 74 chương trình, dự án TCVM do các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ thực hiện; Và việc triển khai các chương trình, dự án TCVM của các tổ chức này đều được UBND tỉnh, thành phố đồng ý cho phép thực hiện. Còn lại 05 chương trình, dự án TCVM do hai Quỹ xã hội được Bộ Nội vụ cấp phép và ba tổ chức phi chính phủ nước ngoài (do Bộ Ngoại giao cấp phép). Thực tế những năm qua, trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký các triển khai chương trình, dự án TCVM cụ thể nào đó NHNN đều lấy ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự án, chương trình TCVM triển khai. Mặt khác, việc cho phép thực hiện chương trình, dự án TCVM phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Chương trình, dự án TCVM có thể là một cấu phần hoặc toàn bộ khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 của Chính phủ. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 80, "cơ quan chủ quản" - đơn vị có thẩm quyền phê duyệt khoản viện trợ (trong trường hợp của Quyết định số 20 là UBND các cấp), "chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ". Như vậy, có thể thấy, UBND các cấp là cơ quan có thẩm quyền tiên quyết cho phép thực hiện chương trình, dự án TCVM của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trên các địa bàn.
Từ cơ sở này, Điều 18 của Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND có thẩm quyền nơi có chương trình, dự án TCVM: Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trên địa bàn; Hướng dẫn, quản lý hoạt động của các chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trên địa bàn…
Cùng với dự thảo Nghị định về chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, NHNN cũng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức TCVM. Nội dung dự thảo Thông tư này có những quy định thống nhất với dự thảo Nghị định nói trên về những hoạt động cơ bản của tổ chức TCVM. Đơn cử, cả hai dự thảo đều có quy định: Khoản cho vay của tổ chức TCVM có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức TCVM; Mức cho vay tối đa đối với một khách hàng TCVM không vượt quá 50 triệu đồng Việt Nam…Dự thảo Thông tư còn quy định cụ thể hơn: Tổ chức TCVM chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng TCVM để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống, không được cho vay khách hàng để mua, đầu tư chứng khoán… Ngoài cho vay, tổ chức TCVM được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Thống đốc NHNN: Ủy thác vốn, nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân; đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức TCVM đó; cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng của tổ chức TCVM; đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm; tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép...
Khách hàng TCVM là cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; cá nhân có thu nhập thấp; doanh nghiệp siêu nhỏ…Thực tế những năm qua cho thấy các tổ chức TCVM đã góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo. Việc tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ cho các tổ chức TCVM sẽ giúp các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn.