Ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ
Tiến sĩ Võ Trí Thành |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế duy trì sản xuất, vượt qua khủng hoảng của đại dịch?
Trong suốt quá trình phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới Việt Nam nói chung, vai trò của hệ thống ngân hàng là cực kỳ quan trọng. Lý do bởi Việt Nam là một quốc gia vẫn dựa cơ bản vào hệ thống ngân hàng, cho nên hệ thống ngân hàng đã đảm đương một trách nhiệm rất nặng nề. NHNN giữ vai trò quan trọng nhất trong thực thi điều hành chính sách tiền tệ.
Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ngân hàng đã thể hiện được trách nhiệm mạnh mẽ. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020 NHNN là bộ, ngành đầu tiên đưa ra chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và vẫn tiếp tục đi cùng với chính sách hỗ trợ ấy cho đến thời điểm này và sắp tới nữa.
Có thể nói, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách, giải pháp rất có ý nghĩa cả trong vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô, vi mô góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó và bước đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.
Với vai trò cơ quan quản lý chính sách tiền tệ, NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn ngắn, hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay, kéo mặt bằng lãi suất thấp xuống. Đây là điều kiện rất cơ bản.
Song song với đó, NHNN đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp các TCTD kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vượt khó. Đó là ngay từ năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh, gia hạn các mốc thời gian của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tương ứng với sự ra đời của các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN và mới đây nhất Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Các NHTM cũng đã chủ động trách nhiệm chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, người dân thông qua việc tích cực giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất thấp…
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một số vấn đề để cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn. Bản thân NHNN, bên cạnh phải đảm nhiệm chức năng điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phải có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra là dù hỗ trợ ra sao cũng không thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô được. Chúng ta đã có rất nhiều bài học đắt giá trong cả quá trình phát triển của mình rồi nên phải đặc biệt coi trọng.
Phía các ngân hàng cũng có cái khó. Chúng ta đều biết, hiện nay các ngân hàng cần tiếp tục cơ cấu để đáp ứng các tiêu chí tốt trong quản trị của quốc tế. Theo đó, ngân hàng phải tăng năng lực tài chính, quản trị rủi ro tốt, để đảm bảo hoạt động lành mạnh của hệ thống. Điều quan trọng hơn cả là nếu ngân hàng có vấn đề lớn thì không chỉ hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế này cũng ảnh hưởng không nhỏ. Song, vì mối quan hệ cộng sinh ngân hàng - doanh nghiệp, họ đã thể hiện trách nhiệm bằng chính sách hành động và được thể hiện qua con số rất cụ thể tiết giảm chi phí, lợi nhuận… để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn mới, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng cần phải tham gia sâu hơn nữa. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Chúng ta có thể yêu cầu những nỗ lực tiếp nữa của hệ thống ngân hàng. Nhưng như tôi nói ở trên, chúng ta phải hiểu trong bối cảnh mà hệ thống ngân hàng phải thực hiện rất nhiều những nghĩa vụ, trọng trách, nếu chỉ nỗ lực riêng của ngành Ngân hàng thì khó có thể hoàn thành trách nhiệm mà cần phải có sự đồng hành vào cuộc từ các bộ, ngành cho đến Chính phủ nói chung và cả Quốc hội. Theo tôi, cần có cơ chế, khuôn khổ pháp lý để ngân hàng thực thi các chính sách, vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Lấy một ví dụ là gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất qua Ngân hàng Chính sách xã hội chưa giải ngân được nhiều. Vấn đề vướng mắc ở đây theo tôi là về tiêu chí. Mà tiêu chí này thì không thể chỉ NHNN đặt ra được mà phải dựa vào các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành khác như Bộ Lao động - Thương binh và xã hội... Cho nên chúng ta thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành với ngân hàng có ý nghĩa quan trọng để thực thi chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân tốt hơn.
Các TCTD triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng |
Vậy chính sách tài khoá và tiền tệ cần phối hợp ra sao để đảm bảo mục tiêu kép Chính phủ đặt ra?
Hiện chúng ta vừa muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng lại vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ lại càng quan trọng, phải có thêm nhiều công cụ, những chính sách rất đặc biệt.
Về liều lượng của công cụ thì dư địa của chính sách tài khóa tốt hơn rất nhiều, từ nợ công, thâm hụt ngân sách, khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước với những điều kiện thuận lợi. Còn đối với chính sách tiền tệ dư địa dù còn nhưng giới hạn hơn nhiều so với tài khoá. Tỷ lệ tín dụng/GDP đã rất cao, rủi ro hệ thống ngân hàng vẫn còn mặc dù có nhiều cải thiện, nguy cơ lạm phát, nợ xấu gia tăng… Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách hỗ trợ tập trung vào tài khóa nhiều hơn tiền tệ.
Nhưng tôi muốn lưu ý, trước mắt, chúng ta đang cần có nhiều chính sách hỗ trợ đủ mạnh cho kinh tế sớm hồi phục, nên chấp nhận các cân đối vĩ mô có thể bị xô lệch đôi chút như lạm phát cũng có thể nhích lên… Nhưng những năm tiếp theo, chúng ta phải sớm đưa các cân đối vĩ mô về mức ổn định trong tầm kiểm soát để hạn chế nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là đối với lạm phát.
Xin cảm ơn ông!